Quyền sống trong môi trường sạch

Quyền sống trong môi trường sạch là quyền cơ bản của con người trong pháp luật quốc gia và quốc tế

Quyền sống trong môi trường sạch là một phần của quyền sống. Con người không thể tồn tại trong một môi trường bị ô nhiễm và hủy hoại bởi các thảm họa môi trường. Sức khỏe và phúc lợi của con người cũng không thể bảo đảm trong một môi trường đã bị con người lãng phí và tàn phá các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các yếu tố môi trường. Điều này cũng ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức, văn hóa, tình yêu và cả nền văn minh nhân loại. Quyền sống trong môi trường sạch là quyền không thể xâm phạm. Không ai có thể bị tước đoạt quyền này vì bất kỳ lý do gì. Quyền này thuộc về tất cả mọi người, quyền tự quyết cuộc sống của bản thân, khát khao nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, quyền sống trong môi trường sạch còn phản ánh kết quả của sự tiến hóa liên tục của xã hội loài người gắn liền, hòa hợp với thế giới tự nhiên, các yếu tố môi trường. Con người đang đối diện với tình trạng khủng hoảng môi trường khắp nơi trên thế giới, liệu con người có đang tiến hay đang lùi về phía sau bởi lòng tham và “lời nguyền tài nguyên”. Như vậy, con người không thể có quyền con người thực sự khi chưa có quyền căn bản đó là quyền sống, quyền sống như thế nào? Phải là sống có chất lượng, khỏe mạnh, hòa hợp với tự nhiên, đây còn là mục tiêu phát triển của con người. Quyền sống đó phải được pháp luật công nhận và tôn trọng. Quyền sống trong môi trường sạch là quyền con người cần được ghi nhận và bảo đảm thi hành trong hiến pháp – văn bản pháp luật cao nhất.

Quyền con người và môi trường đã được cộng đồng thế giới quan tâm từ lâu. Nó được biểu hiện trong nhiều văn kiện, công ước, hiệp ước quốc tế, như: Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1962 “Sự phát triển kinh tế và bảo vệ thiên nhiên”, các Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội năm 1966. Từ đầu những năm 1970, sự liên kết giữa quyền con người đối với môi trường đã trở thành chủ đề của các cuộc thảo luận pháp lý, triết học và đạo đức. Một xu hướng dễ nhận biết trong sự phát triển của luật pháp quốc tế theo hướng công nhận quyền về môi trường của con người trong "luật mềm". Tuyên bố Stockholm 1972: "Con người có những quyền cơ bản để tự do, bình đẳng và điều kiện đủ của cuộc sống trong một môi trường có chất lượng cho phép một cuộc sống của nhân phẩm và hạnh phúc, và con người mang một trách nhiệm trọng đại để bảo vệ và cải thiện môi trường cho hiện tại và thế hệ tương lai ".

Nhận xét